Bỏ trên 400 triệu đồng mua dâm, phạt sao cho xứng?
Các đại gia sẵn sàng chi ít nhất 1.000 USD hoặc lên đến 20.000 USD để mua
dâm. Tuy nhiên, chỉ phải chi 5 triệu đồng đóng phạt hành chính.
Nhiều bạn đọc cho rằng quy định phap luat chưa đủ tính răn đe. |
Như tin
nhanh đã đưa, sáng 27-5, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công
an) đã bắt khẩn cấp Đoàn Ngọc Minh (25 tuổi, ngụ P.7, Q.5, TP.HCM) về hành vi
môi giới mại dâm. Y được xem là mắt xích quan trọng trong đường dây mại dâm cao
cấp tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh.
Sẵn sàng bỏ ra từ 20 triệu đồng đến hơn 430 triệu đồng để mua dâm
Theo quy định pháp luật hiện hành, hình thức xử lý các đối tượng mua bán dâm
chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính và mức cao nhất là 5 triệu đồng. Nhiều bạn
đọc tỏ ra bức xúc vì sự chênh lệch quá lớn giữa số tiền bỏ ra mua dâm và số tiền
đóng phạt.
Anh Lê Quang Tường (Q. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Mức xử phạt hành vi mua
dâm là chưa phù hợp. Điều này làm mọi người cảm thấy không tương xứng với mức độ
vi phạm của các đối tượng này, khó hạn chế, ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực
này vì pháp luật không còn đủ tính răn đe”.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đưa thông tin danh sách những đại gia
mua dâm này là những doanh nhân. Bạn đọc suy tư về tư cách của "bộ phận không
nhỏ" doanh nhân Việt trong cách mà họ sử dụng đồng tiền.
Bạn Thanh Ngân (ĐH Công nghệ TP.HCM) bức xúc: “Các đại gia sẵn sàng chi hàng
chục triệu để mua dâm thì chuyện đóng phạt vài triệu có ăn thua gì? Nên tăng mức
phạt và công khai danh tính người mua dâm thì họ mới sợ mà không vi phạm”.
Luật quy định thế nào?
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư
TP.HCM) cho biết: “Người bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị
định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật
tự, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực
gia đình, không bị khởi tố hình sự”.
Cụ thể, điều 22 của nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000
đồng với người mua dâm. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong
trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM - cho biết: “Bộ
luật hình sự không xem hành vi mua dâm là tội phạm, xuất phát từ việc xem xét
tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này chưa đến mức phải áp dụng chế tài hình
sự”.
Chế tài mạnh người mua dâm
|
Bạn đọc Thu Đào ý kiến: “Nên tăng mức phạt và công khai cả danh tính người
mua dâm thì như vậy họ mới sợ mà không vi phạm”.
Nhiều bạn đọc có cùng suy nghĩ này. Tuy nhiên, theo các luật sư, điều này
đang gây tranh luận, đồng thời giữa luật và mong muốn thực tế chưa tương
đồng.
“Dù có phạt cao cũng chưa chắc đã đủ tính răn đe, do đó, ngoài xử phạt hành
chính cần có nhiều biện pháp khác như công bố thông tin của các đối tượng trên
những phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, đề xuất trên vẫn còn nhiều ý
kiến tranh luận”, luật sư Hiệp nói.
Trong khi đó, luật sư Hậu khẳng định hành vi mua bán dâm không thể áp dụng
biện pháp công khai thông tin của người vi phạm vì làm như vậy là xâm phạm quyền
bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được
quy định rõ tại điều 21 của Hiến pháp và điều 31, 38 bộ luật dân sự.
Vậy phải dùng biện pháp hữu hiệu nào? Luật sư Hậu cho biết: Điều 3, Pháp lệnh
phòng chống mại dâm năm 2003 nêu rõ “mua dâm” là hành vi của người dùng tiền
hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Theo ông Hậu, mua dâm là điều kiện dẫn đến hành vi bán dâm, tức có cầu thì
mới có cung. Do vậy, để hạn chế mua bán dâm, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục
ý thức người dân thì chế tài mạnh hơn đối với người mua dâm để họ không thực
hiện hành vi vi phạm này.
Ông Hậu nói thêm: pháp luật cần quy định thêm hình thức và mức độ xử lý trong
trường hợp tái phạm để tăng tính răn đe và hạn chế tình trạng vi phạm nhiều
lần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét